Death in Venice với những trang phục của vẻ đẹp Bất Phàm – “Death in Venice” (1971) là một bộ phim điện ảnh thể loại tâm lý chính kịch cổ trang được chỉ đạo bởi Luchino Visconti, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn hào Thomas Mann.

Death in Venice với những trang phục của vẻ đẹp Bất Phàm

Phim kể về sự đối đầu ghê gớm giữa một bên là cái đẹp đã được định dạng với cấu trúc kiện toàn, trật tự hoàn mỹ và phẩm chất thiêng liêng mà phần đông nhân loại chẳng bao giờ chạm tới với một bên là sức sống vĩnh cửu của bản năng đôi phần man dại, của cảm xúc chẳng thể xâm phạm có trong mọi con người đã được truyền lại trong suốt quá trình tiến hoá từ cả triệu năm trước đến nay. Hai điều này xung đột với nhau tạo nên nhựa sống cho sự hình thành của Nghệ Thuật, nhưng cũng đồng thời huỷ hoại dần dần cuộc sống của người nghệ sỹ. Cuối cùng thì tiếng đàn lyre thanh cao diệu vợi của Apollo hay tiếng trống tympanon sôi động lạc thú của đoàn tuỳ tùng theo bước Dionysus sẽ vang lên nơi đích cuối của hành trình theo đuổi Cái Đẹp?

Death in Venice với những trang phục của vẻ đẹp Bất Phàm

Đồng hành cùng Luchino Visconti trên phương diện sáng tạo phục trang là Piero Tosi, người đồng nghiệp đã sánh bước cùng vị đạo diễn ngót nghét 2 thập kỷ. Nhưng lần này thì đặc biệt hơn nhiều lần trước đó vì vào khoảng nửa cuối năm 1970 thì Piero bị thương tích do bị tai nạn ô tô, khi Luchino ngỏ lời thì Piero vẫn đang trong quá trình hồi phục. Mặc dù định nói lời từ chối nhưng thiết kế gia vẫn gửi cho nhà đạo diễn một vài bản phác hoạ tạo hình rồi sau đó chả biết thế nào lại tham gia thiết kế mọi bộ trang phục cho phim.

Phim lấy bối cảnh nước Ý những năm 1910-1912, khi này trang phục bắt đầu có bớt đi vẻ nặng nề của thập kỷ trước đó, phom dáng đơn giản hơn nhưng chi tiết trang trí thì lên một tầm mới, tô điểm cho trang phục là những chiếc mũ, khi giản dị, khi phức tạp, khi nhỏ xinh, khi to lớn, khi nhẹ đến mức chỉ một cơn gió thoảng là bay đi, khi nặng đến độ người đội phải độn tóc giả để tránh nổi u ở đỉnh đầu. Để tái hiện lại vẻ đẹp quá vãng Âu Châu thời kỳ này, Piero Tosi đã kết hợp cùng những nghệ nhân lành nghề bậc nhất của Tirelli Costumi cũng như thuyết phục được Umberto Tirelli mở kho lưu trữ nhằm mang những bộ váy đầm cổ điển thực sự lên trên màn bạc, thổi hồn sống vào những thứ áo váy mà sau Thế Chiến I chỉ được đặt ở tủ kính bảo tàng.

Với định hướng của Luchino, tư duy của Piero, tay nghề của các nghệ nhân và sự đồng ý của Umberto, trang phục trong “Death in Venice” chuẩn chỉ chỉn chu không còn gì để chê, cả về phương diện lịch sử lẫn thẩm mỹ để rồi trở thành chuẩn mực cho mọi phim về sau lấy mốc thời gian tương tự cũng như là ví dụ rõ ràng nhất cho vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi, nửa huyền hoặc, nửa cạm bẫy của thành Venice.

Những nhân vật có phục trang nổi trội nhất trong phim gồm có Gustav von Aschenbach – nhạc sỹ tài ba người Đức cùng các thành viên của gia đình người Ba Lan gồm bà mẹ, cô gia sư, ba chị em gái và, đương nhiên là, Tadzio – hiện thân của vẻ đẹp hoàn hảo xứng tầm thần thoại.

Gustav von Aschenbach, vị nhạc sĩ, mang phong cách tiêu biểu của những con người đáng kính và giàu sang trong xã hội xưa, những bộ suit sáng màu mát mắt cho các hoạt động buổi sáng, dạ phục sẫm màu sang trọng cho bữa tối dưới chốn khách sạn xa hoa, khi đi xa thì nhũn nhặn một màu nâu tối nhưng qua đường cắt thì vẫn thấy được sự chỉn chu đỏm dáng của người có tiền, có kiến thức và có gu. Khi quàng thêm khăn, khi đội thêm mũ, khi thắt cà vạt, nếu trang trọng nhất thì mặc cổ hồ bột cột nơ trắng. Sắc trắng xưa nay luôn đi cùng sự sang trọng tột bậc và sự tinh khôi thuần khiết nhưng cũng chính sắc trắng tượng trưng cho cái chết, cho sự mong manh của kiếp người. Khoảnh khắc Aschenbach vươn tay khao khát chạm vào vẻ đẹp tuyệt đối, ông đã ra đi, và khi ông ra đi, ông mặc trên mình bộ y phục màu trắng.

Bà mẹ của gia đình Ba Lan là một người đàn bà quý tộc trên cả phương diện ngoại hình lẫn cốt cách. Để tạo hình cho nhân vật người mẹ, đạo diễn Luchino đã đề xuất với Piero rằng nên lấy cảm hứng từ Phu Nhân Carla Erba, thân mẫu của đạo diễn. Bà là một người phụ nữ luôn mang cho mình một kiểu cách ăn mặc đặc trưng cá nhân tính và luôn hợp thời trang, những bộ váy thướt tha màu hồng nhạt hay vàng vanilla cùng với chiếc mũ to tướng luôn được cả mét vải tulle quấn quanh cho thêm phần quý phái. Nghe theo đề xuất của Visconti, bên cạnh những áo quần váy vóc thì Tosi cũng thiết kế thêm những chiếc mũ đẹp tuyệt vời, hợp tác thêm với các nhà tạo mẫu tóc Maria Teresa Corridoni, Gilda De Guilmi và Luciano Vito để dựng lên một tổng thể hoàn chỉnh từ đầu xuống chân. Nhân vật người mẹ mỗi lần xuất hiện là thay một bộ đồ, khi vàng nhạt, khi hồng phấn, khi xám, khi đen, khi xanh, khi trắng; mỗi bộ đồ lại được tô điểm bởi một kiểu tóc và kiểu mũ khác nhau, mũ thì khi đính hoa lụa, khi gắn đá quý, khi phủ vải tulle, nếu không đội mũ mà để đầu trần thì tóc sẽ rắc phấn còn cổ đeo những món trang sức ngọc trai vô giá toả ánh lấp lánh dìu dịu. Một sự giản dị lạ kỳ cho những con người coi sự mộ đạo là thành phần chính của cao sang. Một người đàn bà thật đẹp.

Cô gia sư không được thể hiện nhiều trên phim, trang phục cũng không có sự biến đổi nhiều như bà mẹ. Trong phim chỉ thấy cô ấy chủ yếu mặc một dạng thức trang phục trông khá giống với suit đi bộ (walking suit), tất cả có màu rất tối chỉ có điều chất liệu khác đi, buổi sáng thì là dạ hoặc cotton, buổi tối thì là lanh hoặc lụa, sự kiện trang trọng thì chất liệu cũng trang trọng theo. Bên cạnh quần áo tối màu thì còn có những chiếc mũ, có to có nhỏ có để trơn có trang trí, mỗi hoạt động thì sẽ có từng loại mũ. Phong cách cô gia sư nghiêm nghị như vậy chẳng trách sao ba chị em lúc nào cũng trông như các ma-sơ sống trong mấy nhà thờ trên núi.

Cả ba chị em gái của gia đình Ba Lan chia sẻ gần như cùng một phong cách nữ tu trông sao mà kín đáo và khắc khổ, những màu sắc già dặn quá đỗi như xám đá hay xanh thẫm điểm xuyến chút ren trắng nơi cổ áo gần như triệt tiêu toàn bộ sự trẻ trung của người mặc. Phom dáng suông thắt lại chỗ hạ eo chạm hông tận diệt mọi ưu thế của hình thể nữ giới. Mái tóc chải mượt ốp sát đầu khiến những khuôn mặt dù nhìn góc nào thì vẫn phảng phất đâu đó vẻ vô hồn của những nữ tu dòng kín mà người ta hay đồn đoán rằng có khi sống cả đời mà không cười tiếng nào. Những khi ra ngoài để đến Nhà Thờ hay ra biển thì mấy chị em đội mũ cói đan, chuyển sang bộ đồ tắm nhưng vẫn mấy xanh xanh vàng vàng màu già chát không hợp tuổi. Tất cả những điều trên chắc chắn là do sự kỷ luật sắt thép và giáo dục khắc nghiệt của cô gia sư, không lệch đi đâu được.

Cuối cùng là Tadzio, vẻ đẹp tuyệt mỹ của cậu là không thể bàn cãi, khí chất vương giả của cậu là chẳng thể so bì. Sắc mặt nghiêm trang và thánh thiện dễ gây liên tưởng đến những tác phẩm điêu khắc Hy Lạp thời kỳ hoàng kim nhất, mái tóc xoăn từng lọn vàng màu nắng đẹp, một vẻ duyên dáng độc nhất vô nhị khiến người chiêm ngưỡng cảm thấy được diễm phúc vô ngần của cả Tạo Hoá lẫn Nghệ Thuật Tạo Hình. Để tô điểm cho vẻ đẹp thập toàn của Tadzio, trang phục của cậu không cầu kỳ, không đơn giản, chỉ vừa đủ để vẻ đẹp của người mặc luôn là trung tâm (cũng như cho thấy tình yêu thiên vị và đồng bóng của bà mẹ quý tộc). Từ bộ lính thuỷ Anh vai bồng khiến thân hình mảnh khảnh kia càng thêm vẻ lá ngọc cành vàng đến bộ đồ có áo dạng tunic cổ cao thêu họa tiết trắng, chiếc thắt lưng tiệp màu trắng, quần đen phối với giày đen, những cách kết hợp cực kỳ đơn giản nhưng sao lại đẹp đến mức siêu thực khi được mặc bởi Tadzio vậy? Cả khi cậu mặc đồ mang hơi hướng quân phục lẫn bộ đồ bơi liền mảnh cũng thật kiêu hãnh và đặc biệt đến nỗi khiến người khác thổn thức. Nhà thiết kế Piero Tosi đã phải chật vật lựa chọn chất liệu cho những bộ đồ bơi, Piero thử thử từ lanh, cotton, jersey cho đến cả muslin nhưng đều không mang lại kết quả mong đợi, cuối cùng đành phải ra chợ Sannio chuyên bán đồ second-hand, đồ vintage thì may mắn thay tìm được thứ vải rayon có thể làm bộ đồ tắm cho tất cả các nhân vật nam trong phim, thực là kỳ công cho một kiệt tác. Cầu kỳ là vậy, xa hoa là thế nhưng tất cả thứ quần áo đó đều đưa đến một kết quả không thể khác lúc cuối phim, khi này dưới ánh hoàng hôn thành Venice, cậu trở thành hình bóng phản chiếu của vẻ đẹp bất phàm mà nếu có nắm bắt thì chắc chắn sẽ đem lại sự huỷ diệt, đơn giản vì cái đẹp tuyệt đối thì không thuộc về nhân gian.

Tất cả những câu chữ trên kia là những điều ngắn gọn nhất khi nói về phục trang trong “Death in Venice”, ngoài ra còn vô vàn những tiểu tiết khác như người giàu thường mặc màu sáng, người nghèo thường mặc màu tối, khi Aschenbach nhớ về quá khứ trước kia thì tất cả mọi người đều mặc theo kiểu 1890-1900, tất cả những bộ đồ mà vợ Aschenbach mặc thì đều là đồ cổ thực thụ lấy từ kho lưu trữ Tirelli, những bộ đồ lỗi mốt chắc phải tầm 7 năm có lẻ mà gia đình người Nga mặc khi có đoàn hát rong,…bao nhiêu thứ như vậy cùng vô số những điều khác nữa khiến việc liệt kê tất tần tật ra đây trở thành điều không thể.

“Death in Venice” là một bộ phim đẹp ở cả nội dung lẫn hình thức, mọi thứ trong phim đều có vẻ lộng lẫy cũng như suy tàn của riêng mình. Bên cạnh vẻ đẹp của Tadzio, nội tâm của Gustav von Aschenbach, thành Venice hoan lạc và bí ẩn thì những thứ y trang váy áo chỉn chính là điều lôi kéo những khán giả duy mỹ ưa ngẫm nghĩ lẫn thưởng thức cái đẹp đến với phim.