Kiến thức cơ bản về việc bán Ảnh stock trên mạng – Khi đã quyết định sẽ kiếm tiền từ nhiếp ảnh, bán hình stock là suy nghĩ đầu tiên mình nghĩ đến. Mình thấy thị trường nhiếp ảnh bây giờ cạnh tranh với nhau rất dữ dội, các studio mọc như nấm sau mưa, thanh niên thì người người có DSLR, trung niên thì nhà nhà chụp hình bằng Full Frame lens xịn. Do đó mình nghĩ việc kiếm tiền từ các dịch vụ thông thường như chụp ảnh cưới, chụp ảnh sản phẩm, chụp ảnh chân dung là không hề dễ dàng. Chơi thử stock vậy.

Kiến Thức Cơ Bản Về Việc Bán Ảnh Stock Trên Mạng

Chợ stock

Để bắt đầu với ảnh stock, mình đi đăng ký tài khoản ở ba chợ stock lớn nhất có thể kiếm được trên mạng là Shutterstock, iStockphoto và Dreamstime. Ban đầu dự định chỉ đăng hình trên SS và iS thôi, nhưng về sau thấy Dr cũng nhiều nên đăng ký luôn. Quá trình đăng ký tài khoản trên mấy chợ stock này cũng cần phải tìm hiểu kỹ càng chứ không phải đơn giản cứ đăng ký rồi up hình là được.

Với SS, sau khi đăng ký bạn phải up lên 10 tấm hình cho đội ngũ kiểm duyệt. Qua được 7/10 thì coi như bạn đăng ký thành công và được up hình để bán. iS thì dễ hơn, chỉ cần 3 tấm và kiểm duyệt khá dễ dàng. Riêng Dr thì chẳng yêu cầu gì, bạn cứ up hình thẳng lên và chờ họ kiểm duyệt. Quá trình kiểm duyệt này có cái hay và cũng có cái dở. SS kiểm duyệt rất kỹ nhưng lại rất nhanh. Thường chỉ sau 1-3 ngày là họ đã có trả lời xem hình của mình như thế nào. iS thì lâu hơn, đợt hình đầu tiên của mình mất đến 10 ngày mới có kết quả trả lời. Dr thì sau 10 ngày vẫn chưa thấy tăm hơi gì.

Chất lượng ảnh stock

Ảnh stock có thể không cần quá to nhưng phải rất rõ. Việc out focus chủ thể, ISO noise/grain là hoàn toàn không được chấp nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả ảnh chụp lúc hoàng hôn hay bình minh. Để khắc phục những vấn đề này, mình có một số gợi ý sau: f nhỏ, ISO nhỏ, tốc lớn.

F càng nhỏ càng tốt, tuỳ lens, mình nghĩ nên từ 1/5.6-1/8. Theo mình, trong nhiếp ảnh, f dùng để kiểm soát độ sâu và nổi khối của bức ảnh chứ không phải độ sáng. Tất nhiên trong một số trường hợp vẫn phải đánh đổi nhưng trong ảnh stock thì không.

ISO càng nhỏ càng tốt, tuỳ máy ảnh, nên từ 50-100. ISO càng thấp càng ít noise.

Tốc độ chụp không quan trọng, tuỳ theo f và ISO mà giảm tốc để có tấm hình với độ sáng mong muốn. Dùng tripod nếu cần chụp chậm do f nhỏ và không rung. Vì rung là nhoè mà nhoè là vứt.

Chụp RAW hay Jpeg thì tuỳ, theo mình thì nên chụp Jpeg để tận dụng khả năng khử nhiễu/hạt của máy ảnh khi chụp ISO cao. Chụp RAW thì lưu ý khi làm hậu kỳ không nên làm nét và khử hạt quá nhiều, hình sẽ bị bệt và bị loại bỏ.

Bố cục của ảnh stock cũng khác so với nhiếp ảnh thông thường. Thông thường trong nhiếp ảnh thì chủ thể nên nằm giữa hình, vì mình chụp hình là để mô tả chủ thể. Với ảnh stock, chủ thể nên nằm phía rìa tấm hình, chừa khoảng trống ở giữa hình để người mua có thể gắn chữ vào làm hình minh hoạ hoặc hình nền. Một số hình stockdùng làm nguyên liệu cho các bạn thiết kế đồ hoạ, hình lúc này thường có nền trắng hoặc đen để dễ tách lớp trong Photoshop. Dạng hình stock này gọi là isolated object, chủ đề thường là hoa, lá, chim, thú, đồ chơi, vật dụng,…

Nếu bạn chụp được tấm ảnh rõ nét chủ thể, không bị hạt, bố cục đẹp, vậy thì ảnh của bạn chắc chắn sẽ được duyệt cho qua.

Thể loại ảnh stock

Sau khi đã đủ kỹ năng để chụp một tấm hình dạng stock, việc tiếp theo cần nghiên cứu là mình sẽ chụp cái gì. Thường thì một tấm hình lúc nào cũng sẽ có một trong hai thông điệp: ý tưởng và thể hiện. Hình dạng ý tưởng có thể không cần đẹp, không đúng khái niệm gì cả nhưng nó biết nói. Hình dạng thể hiện thì không cần nói, nó chỉ cần khoe dáng cho người xem biết nó như thế nào mà thôi. Đôi khi một tấm hình đội đủ cả hai yếu tố trên và thế là nó trở thành tuyệt phẩm. Nhiều người hay nôm na ví dụ nó như phần xác và phần hồn của tấm hình vậy, tuy nhiên mình không thích các khái niệm bóng bẩy này.

Mà thật ra trước khi suy nghĩ bạn sẽ chụp hình ý tưởng hay thể hiện thì bạn nên hỏi chính mình rằng người ta sẽ dùng tấm hình của mình để làm gì? Nếu khách hàng cần làm một slide Power Point và muốn dùng hình để minh hoạ, họ sẽ đi tìm kiếm hình miễn phí trên mạng hoặc đi mua trên chợ stock. Khách hàng cũng có thể đang làm tạp chí và cần hình ảnh minh hoạ. Khách hàng cần in tranh để treo cũng thể đi mua ảnh về in. Quy luật cung cầu, ai cần thì tôi cung cấp, không ai cần mà tôi vẫn cứ cung cấp thì coi như ế thôi.

Các chợ stock thường có các tiêu chí riêng của mình, và họ thường ưu tiên cho những tấm hình phù hợp với tiêu chí họ đặt ra. Ví dụ như iS, họ không cần hình chụp người mẫu đứng im, họ thích những người đang làm việc, những nhóm người cùng nhau làm một gì đó. Họ không cần hình chụp dạng isolated-object vì họ nghĩ dạng hình đó đã đầy rẫy ra rồi, cái họ cần là hình ảnh chuyển tải thông điệp, ý tưởng. Tuy nhiên có những dạng hình mà chợ nào cũng sẽ cần như phong cảnh, du lịch, văn hoá, lịch sử, kiến trúc, đời sống, ẩm thực,…

Kết Luận

Mình thích chụp hình nhưng chụp theo sở thích cá nhân riết rồi cũng lười. Thử sức trong một lĩnh vực mới với độ cạnh tranh tàn khốc mang lại cho mình thêm rất nhiều kiến thức và cảm xúc.

Chúc các bạn thành công và vui vẻ trong nhiếp ảnh, dù chuyên hay không chuyên.