Tranh tuyên truyền, cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, một trong những phương tiện văn hóa nghệ thuật, đã từng tham gia vào cuộc sống xã hội; chứa đựng, phản ánh những thông tin về lịch sử, văn hóa qua từng thời kỳ lịch sử cách mạng của dân tộc.

Lịch sử tranh cổ động Việt Nam

Ở Việt Nam, những hình thức đồ hoạ như tranh cổ động còn được gọi là tranh truyền bá, tranh phổ cập hay từ mượn tiếng Pháp – áp phích. Nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam được sử dụng rộng rãi nhất từ giai đoạn thế chiến thứ nhất. Người Pháp với chiến dịch vận động công trái, đã sử dụng tranh cổ động để huy động nhân dân ở Đông Dương cho chính phủ Pháp vay tiền để tham chiến với Đức. Hàng trăm nghìn bản đã được sử dụng. Riêng bức “Rồng nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc” được in màu 15.000 bản và lan truyền rộng rãi.

Tranh cổ động phát hành nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (phát hành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp).

Vào năm 1945, những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám, rất nhiều nghệ sĩ đã tham gia sáng tác tranh cổ động như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến…

Tranh tuyên truyền với khẩu hiệu “Tất cả nhân vật tài lực dốc vào tăng gia sản xuất, mỗi cử tri phải làm được hai ký lô thực phẩm” do Nông dân Cứu quốc Liên khu V xuất bản trong kháng chiến chống Pháp.

Các tác phẩm thường mang hình thức thể hiện đơn giản, ngôn từ cô đọng, súc tích, xuất phát từ điều kiện thực tế, tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Tranh cổ động Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Có thể nói tranh cổ động đã trở thành một thể loại tranh đồ họa đặc sắc, độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam. Các họa sĩ tranh cổ động Việt Nam nhiều thế hệ kế tiếp đã liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu. Tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng của Việt Nam, tồn tại và phát triển lâu dài cho đến hôm nay là hiếm có và độc đáo trên thế giới.

Nguồn: nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, Vi Kiến Thành

Ảnh: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Vnexpress